17 tháng 7, 2013

Khái niệm địa chỉ MAC (Media Access Control)

1. Khái niệm:

Trong mô hình OSI (Open Systems Interconnection) hay mô hình tham chiếu kết nối các hệ thống mở thì địa chỉ MAC (Media Access Control) nằm ở lớp 2 (lớp liên kết dữ liệu hay Data Link Layer). Nói một cách đơn giản, địa chỉ MAC là địa chỉ vật lý hay còn gọi là số nhận dạng (Identification number) của thiết bị. Mỗi thiết bị (card mạng, modem, router...) được nhà sản xuất chỉ định và gán sẵn 1 địa chỉ nhất định; thường được viết theo 2 dạng: MM:MM:MM:SS:SS:SS (cách nhau bởi dấu : ) hay MM-MM-MM-SS-SS-SS (cách nhau bởi dấu - ).


Địa chỉ MAC là một số 48 bit được biểu diễn bằng 12 số hexa (hệ số thập lục phân), trong đó 24bit đầu (MM:MM:MM) là mã số của nhà sản xuất (Cisco, Linksys, 3COM...) và 24 bit sau (SS:SS:SS) là số seri của từng card mạng được nhà sản xuất gán. Như vậy sẽ không xảy ra trường hợp hai thiết bị trùng nhau địa chỉ vật lý vì số nhận dạng ID này đã được lưu trong chip ROM trên mỗi thiết bị trong quá trình sản xuất, người dùng không thể thay đổi được.

2. Mối liên hệ giữa địa chỉ MAC và địa chỉ IP

Địa chỉ MAC làm việc ở lớp 2 trong khi địa chỉ IP làm việc ở lớp 3 (lớp mạng hay Network Layer). Địa chỉ MAC là cố định (được thiết lập cứng) trong khi địa chỉ IP có thể thay đổi được (thiết lập mềm). Trong mạng luôn duy trì một ánh xạ giữa địa chỉ IP và địa chỉ MAC của thiết bị. Do đó, các thiết bị thường dùng cơ chế ARP (Address Resolution Protocol) và RARP (Reverse Address Resolution Protocol) để tìm được địa chỉ MAC, IP của các thiết bị khác khi cần thiết lập kết nối. DHCP cũng thường dựa vào địa chỉ MAC để quản lý việc gán địa chỉ IP cho mỗi thiết bị.

Ví dụ: một máy tính có IP là 192.168.1.1 (máy A) muốn gửi thông tin đến một máy tính khác có IP là 192.168.1.2 (máy B). Trước tiên máy A sẽ gửi một gói tin broadcast để hỏi máy tính nào có IP là 192.168.1.2. Máy B sẽ trả lời lại máy A rằng nó có địa chỉ IP cần tìm và kèm theo là địa chỉ MAC của nó, sẽ được lưu tạm trong bảng ARP của máy A trong khoảng thời gian mặc định là 30 giây. Quá trình này có thể diễn giải như cuộc đối thoại sau:
• Máy A (192.168.1.1): Này tất cả mọi người trong mạng (FF:FF:FF:FF:FF:FF), ai có địa chỉ IP là 192.168.1.2 ? Địa chỉ MAC của tôi là DE:AD:BE:EF:CA:FE, bạn vui lòng phản hồi lại cho tôi.
• Máy B (192.168.1.2): Xin chào DE:AD:BE:EF:CA:FE, Tôi có IP là 192.168.1.2 và địa chỉ MAC của tôi là 1A:3B:56:78:90:12, bạn có thể gửi gói tin IP cho tôi.

Bạn có thể xem nội dung bảng ARP của một máy tính bằng lệnh “arp –a” trong Windows và “arp” trong Linux. ARP cũng có thể thực hiện bằng cách một máy tính trong LAN gửi địa chỉ MAC của nó đến các máy khác trong cùng mạng để được cache ưu tiên, trừ khi máy nhận được cấu hình từ chối những trả lời ARP không được yêu cầu.

3. Cách tìm địa chỉ MAC

Có nhiều cách để xác định địa chỉ MAC, chẳng hạn như dựa vào loại thiết bị đang sử dụng, vào hệ điều hành (HĐH) đang sử dụng.

Với HĐH Windows: Sử dụng lệnh “winipcfg” (đối với Windows 95, 98 và ME) hoặc “ipconfig /all” (đối với Windows NT, 2000, XP, Vista, Windows 7). Cả hai lệnh “winipcfg” và “ipconfig” đều có thể hiển thị nhiều địa chỉ MAC tương ứng với nhiều card mạng khác nhau trên cùng máy tính.

Với HĐH Unix/Linux: Tùy thuộc vào phiên bản HĐH mà lệnh tìm địa chỉ MAC sẽ khác nhau, chẳng hạn trong Linux và 1 vài phiên bản của Unix, lệnh "ifconfig -a" sẽ trả về địa chỉ MAC của thiết bị hoặc có thể tìm địa chỉ MAC trong file log (/var/log/messages hay /var/adm/message). Bên cạnh đó, HĐH cũng hiển thị địa chỉ MAC trên màn hình trong quá trình hệ thống khởi động.

HĐH Macintosh: Trong Macintosh, bạn có thể tìm địa chỉ MAC trong TCP/IP Control Panel. Nếu chạy trên Open Transport, địa chỉ MAC thường xuất hiện bên dưới màn hình "Info" hay "User Mode/Advanced". Nếu chạy trên MacTCP, địa chỉ MAC sẽ ở dưới biểu tượng "Ethernet".

tổng hợp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét